Báo Trung Quốc nói về VinFast: Đây là kịch bản khi thất bại hoặc thành công với hàng loạt thách thức và ưu thế
Trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã tìm nhiều phương án phát triển ngành công nghiệp hóa, và một trong những ưu tiên là ngành công nghiệp ô tô nội địa. Tuy nhiên đến nay, Việt Nam chỉ có một số ít doanh nghiệp lắp ráp ô tô, và ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển.
Năm 2002, chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa cho xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ, từ 20% đến 25% trong vòng 3 năm. Đến năm 2010, con số đó đãng lẽ phải nằm trong khoảng 40-45%. Nhưng không. Trong năm 2016, tỷ lệ nội địa hóa trung bình của tất cả loại xe chỉ khoảng 10%. Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn chưa thể tạo động lực thúc đẩy cho công nghiệp hóa mà chính phủ mong muốn.
Xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu ở Việt Nam. Ảnh: Shutterstock.
Tuy nhiên, hy vọng cho một ngành công nghiệp ô tô nội địa đã được nhen nhóm, khi tập đoàn VinGroup của Việt Nam công bố kế hoạch sản xuất ô tô du lịch dưới 9 chỗ, thông qua công ty con VinFast.
Trong vòng 1 năm, VinFast đã xây dựng một tổ hợp nhà máy sản xuất rộng 350 ha nằm ở phía Bắc thành phố Hải Phòng, và phát triển 2 nguyên mẫu – một chiếc sedan và một chiếc SUV – đã ra mắt tại Paris Motor Show 2019, cùng chiếc hatchback Fadil.
Phần lớn doanh thu của tập đoàn VinGroup đến từ bất động sản. Tập đoàn đa ngành này đã mở rộng sang bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nông nghiệp từ trước đó. Vào năm 2017, VinGroup trở thành tập đoàn lớn nhất Việt Nam, với doanh thu 4 tỷ USD và lợi nhuận ròng 254 triệu USD.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên trang bìa của Forbes. Ảnh: AFP.
Họ bước vào ngành công nghiệp ô tô trong năm 2017, và ngành công nghiệp điện thoại thông minh một năm sau đó. VinGroup cũng thành lập một công ty con để đầu tư vào các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và big data, nhằm biến mình thành một công ty công nghệ vào năm 2028. Đối với ngành ô tô, tập đoàn này đặt mục tiêu đầy tham vọng, trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2025, với khả năng sản xuất 500.000 xe/năm, từ các bộ phận, linh kiện ít nhất có 60% sản xuất trong nước.
Để đạt được điều này, VinGroup đã làm việc với các nhà cung cấp quốc tế để thành lập 8 nhà máy sản xuất các bộ phận và linh kiện tại Việt Nam. Công ty đã mua lại General Motors Vietnam để sản xuất ô tô theo giấy phép và bắt đầu phát triển xe máy điện, đã có mặt trên thị trường từ tháng 11.
Mặc dù ra mắt ấn tượng, VinFast phải đối mặt với những thách thức lớn, và lớn nhất chính là các hãng xe thuộc hàng “đại gia” trên trường quốc tế. Thành công của hãng xe Việt sẽ phụ thuộc vào việc họ có sản xuất được những chiếc xe chất lượng với giá cả hợp lý hay không.
Để làm được như vậy, hãng xe Việt cần phải tận dụng lợi thế về quy mô sẵn có, nhưng thị trường nội địa nhỏ là một trở ngại lớn. Năm 2017, doanh số bán hàng do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam thống kê chỉ đạt tổng cộng 272.750 xe.
Mở rộng thị trường này đòi hỏi những chiếc xe có giá cả phải chăng hơn đối với nhóm người tiêu dùng trung bình tại Việt Nam, vì vậy VinFast và các nhà sản xuất ô tô trong nước khác cần vận động phía chính phủ cắt giảm thuế phí.
Cơ sở hạ tầng đường bộ kém phát triển cũng là một thách thức mà các nhà sản xuất ô tô Việt Nam phải đối mặt. Ùn tắc giao thông thường xuyên và thiếu chỗ đỗ xe từ lâu đã tạo rào cản việc sở hữu ô tô của người dân sống tại thành phố lớn. Đồng thời, người tiêu dùng Việt cũng ưu tiên lựa chọn một mẫu xe nhập khẩu hơn, thay vì một chiếc xe sản xuất trong nước.
VinFast cần tăng nhận diện thương hiệu và đầu tư mạnh vào khả năng nghiên cứu và phát triển, nhưng việc thiếu nguồn lực công nghệ và nhân lực có liên quan sẽ biến điều này thành thách thức.
Báo Trung Quốc nói về VinFast: Đây là kịch bản khi thất bại hoặc thành công với hàng loạt thách thức và ưu thế – Ảnh 5.
Nhưng cũng phải nói rằng, VinFast có không ít lợi thế. Đầu tiên là tiềm năng phát triển lớn của thị trường ô tô Việt Nam. Hiện tại, tính trung bình cứ 1.000 người, mới có 16 người sở hữu ô tô ở Việt Nam, ít hơn đáng kể nếu so với Malaysia (341 xe/1.000 người), Thái Lan (196 xe/1.000 người) và Indonesia (55 xe/1.000 người). Là một quốc gia trẻ với dân số hơn 94 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam là “miền đất hứa” cho VinFast và các nhà sản xuất ô tô khác nếu họ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Thứ 2, là một người mới, VinFast có thể áp dụng các công nghệ tiên tiến và chiến lược kinh doanh hướng tới tương lai, mà không cần phải tính toán về vấn đề truyền thống của thương hiệu. Quyết định phát triển xe máy điện và ô tô điện là ví dụ điển hình.
Thứ 3, hệ sinh thái kinh doanh vững chắc của tập đoàn và cơ sở 5 triệu khách hàng mang lại cho họ những lợi thế về tiếp thị sản phẩm ô tô tại thị trường trong nước.
Thứ tư, VinGroup được hưởng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ Việt Nam. Thành công của họ trong việc kinh doanh bất động sản nhờ những kết nối về chính trị, điều này mang lại cho VinFast nhiều lợi thế. Nhất là khi họ gắn kết với các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.
Trong năm vừa qua, tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô của VinFast đã được Thủ tướng Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước đến thăm. Chính phủ cũng cung cấp cho VinFast nhiều ưu đãi chính sách khác nhau, bao gồm giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm đầu hoạt động. Những ưu đãi như vậy được kỳ vọng sẽ giúp VinFast giải quyết nhiều khó khăn về tài chính trong vài năm đầu hoạt động.
Cuối cùng, tinh thần dân tộc cũng có thể có lợi cho VinFast. Ngay từ đầu, họ đã huy động những tinh thần như vậy để kết nối với khách hàng tiềm năng, và giành được sự ủng hộ của chính phủ. Lấy ví dụ, VinFast đã tổ chức lễ khởi công tổ hợp nhà máy sản xuất vào ngày 2/9/2017 – trùng với ngày Quốc khánh của Việt Nam.
Hơn nữa, ngay từ cái tên cũng phản ảnh niềm tự hào dân tộc, đại diện cho Việt Nam – Phong cách, An toàn, Sáng tạo và Tiên phong, theo VinFast.
Báo Trung Quốc nói về VinFast: Đây là kịch bản khi thất bại hoặc thành công với hàng loạt thách thức và ưu thế – Ảnh 7.
Kết hợp lại với nhau, những thách thức mà VinFast phải đối mặt dường như lớn hơn những lợi thế. Nhưng có thể nói rằng, sự xuất hiện của tập đoàn này vẫn là một nguồn năng lượng tích cực cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói riêng và tham vọng công nghiệp hóa của cả nước nói chung.
Nếu VinFast thành công, họ sẽ mang tới sự thúc đẩy GDP của Việt Nam và tái tạo lại ngành công nghiệp ô tô. Sự chuyển đổi từ ngành bất động sản sang công nghệ cao của VinGroup cũng tượng trưng cho sự phát triển của Việt Nam, từ nền kinh tế dựa vào tài nguyên và lao động, sang một nền công nghiệp dẫn đầu về đổi mới. Đồng thời, nếu VinGroup có thể đóng vai trò then chốt trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô, nó sẽ củng cố và cải cách kinh tế dựa trên thị trường Việt Nam và đưa các doanh nghiệp tư nhân thành trung tâm của nền kinh tế.
Báo Trung Quốc nói về VinFast: Đây là kịch bản khi thất bại hoặc thành công với hàng loạt thách thức và ưu thế – Ảnh 8.
Tuy nhiên, nếu họ thất bại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đất nước. Với vai trò với của VinGroup trong nền kinh tế Việt Nam, cộng với hơn 50.000 nhân viên, nếu gặp rắc rối, chính phủ sẽ phải hỗ trợ rất tốn kém. Nhưng xét cho cùng, tham vọng phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa của Việt Nam đã có một cú hích lớn, mang tên VinFast.
Theo South China Morning Post
Kim Tình( Theo Trí Thức Trẻ)