Shark Tank Việt Nam ra đời trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp Việt Nam mới nhen nhóm, việc huy động vốn kể cả từ các quỹ đầu tư mạo hiểm vô cùng khó khăn. Có nhiều startup Việt đã đi vào ngõ cụt, thậm chí phải bán mình…
Giữa bức tranh nhiều màu xám đó, Shark Tank Việt Nam hơn cả một game show “hot” đã thổi bùng lên trào lưu nhà nhà khởi nghiệp, người người đi gọi vốn. Đó chính là “đốm lửa” sinh động góp sức vào mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 của Chính phủ. Hiện Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tức chỉ còn chưa đầy 2 năm để “tăng tốc”.
1.000 startup quy tụ
Sau hai mùa phát sóng đầu tiên, Shark Tank Việt Nam đã có nhiều thành tích ấn tượng. Trong số 1.000 startup đăng ký tham dự chỉ có 42 startup lọt vào vòng thương thuyết với các nhà đầu tư và được lên sóng truyền hình. Nhưng có tới 27 startup nhận được đề nghị đầu tư của “cá mập” với tổng số tiền lên tới 206,5 tỷ đồng, gấp hai lần con số của mùa 1 (116,6 tỷ).
Shark Tank đã trở thành nơi kết nối các startup có ý tưởng sáng tạo với những nhà đầu tư tiềm lực tài chính và kinh nghiệm thương trường để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Sau những màn thương thuyết nảy lửa, gay cấn trên truyền hình, các “cá mập” và startup nhanh chóng chuyển qua vòng thẩm định. Kết quả là mùa 2 có 11 thương vụ ký kết hợp đồng đầu tư và nhận giải ngân từ các “cá mập”: Power Centric, ShoeX, CDTS, Jobsgo, Viral Works, Dota, We Escape, Hoa Nắng, Viral works, Talks Café 100% Tiếng Anh, Nhà hàng chay Pema, Dota, và Bống Chè bưởi.
Có những thương vụ từ lúc thẩm định đến ký kết, giải ngân chỉ trong vòng 100 ngày, điển hình là thương vụ Shark Việt rót vốn vào công ty CDTS, hay Shark Louis Nguyễn rót vốn vào công ty Gạo hữu cơ Hoa Nắng.
Công ty CDTS đã doanh số tăng trưởng 300% sau khi được rót vốn. Còn Gạo Hoa Nắng đã nâng năng suất lên 250 tấn/năm/ năm.
“Quyết định đầu tư của Shark Louis Nguyễn đã làm doanh nghiệp chúng tôi hồi sinh, vì cổ đông lớn nhất không muốn đầu tư nữa”, nhà sáng lập Hoa Nắng, Lâm Anh Tú nói.
Các thương vụ Jobsgo, Viral Works của Shark Dzung Nguyễn cũng nhanh chóng đi đến quyết định đầu tư, đặc biệt Jobsgo được rót vốn là 5 tỷ đồng, gấp 2 lần so với đề nghị đầu tư trên truyền hình chỉ trong 35 ngày.
“Cá mập” lớn ra khơi
Shark Tank Việt ghi nhận một vị “cá mập” đạt tỷ lệ vàng rót vốn, cao hơn cả huyền thoại Mark Cuban – ngôi sao đầu tư trong Shark Tank Mỹ.
Cụ thể, Shark Nguyễn Ngọc Thủy trong hai mùa tham gia Shark Tank đưa ra đề nghị đầu tư vào 9 công ty trên sóng truyền hình thì đến nay đã có tới 8 công ty được rót vốn với tổng số tiền đầu tư hơn 74 tỷ đồng.
Nổi bật là Startup Soya Garden, sau 2 năm lên sóng Shark Tank, Soya Garden khai trương cửa hàng thứ 31 trong hệ thống 100 cửa hàng, dự kiến sau 3 năm sẽ đạt 300 cửa hàng. Như vậy, tính từ khi Shark Thủy đầu tư, Soya tăng trưởng 1.550% (từ 2 cửa hàng lên 31 cửa hàng) trên phạm vi toàn quốc.
Shark Thuỷ cũng lần lượt rót vốn vào Talks Café 100% Tiếng Anh, nhà hàng chay Pema, We Escape, các startup được Shark Thủy đầu tư tăng doanh thu lên đến 200%. Trong khi đó Mark Cuban có tỷ lệ rót vốn khoảng 26/32 các thương vụ bắt tay trên truyền hình.
Với tỷ lệ và những con số biết nói này, Shark Tank Việt Nam đã đập tan tin đồn “chương trình chỉ là game show, tất cả chỉ là diễn trên truyền hình, sau đó không ai đầu tư” suốt một thời gian dài.
Về tỷ lệ này, Shark Thuỷ cho rằng ông đầu tư vào yếu tố con người: “Chúng tôi đầu tư vào Bống chè bưởi không phải vì giá trị của startup này mà vì giá trị con người bạn ấy, ai biết rằng với tư duy kinh doanh đó 10 -20 năm nữa bạn Bống sẽ làm được gì lớn lao hơn nữa.
Muốn đầu tư ngành và người thành công thì ngành phải đủ lớn, người phải có ý tưởng lớn. Người phải đủ tốt – phải có tinh thần khởi nghiệp, phải vượt khó, không có cơ hội nào dễ dàng cả”.
Dấu ấn vàng của Shark Tank Việt mùa 2 phải kể đến thương vụ rót vốn kỷ lục 1 triệu USD của Shark Phạm Thanh Hưng vào Mopo. Sau 9 tháng làm việc, Shark Hưng cho biết số tiền cam kết đầu tư 1 triệu USD hiện nay đã giải ngân giai đoạn 1.
“Doanh số của Mopo trong một năm qua đã tăng trưởng khoảng 20 lần tức 2.000%, có lẽ đây là con số tăng trưởng ấn tượng nhất trong các deal được đầu tư mùa 2 Shark Tank.
Khi xem xét kỹ các sản phẩm và cơ cấu doanh thu tôi rất hài lòng. Power Centric phát triển rất nhanh, trong khoảng thời gian ngắn họ đã hoàn thiện sản phẩm cốt lõi. Tôi thật sự ấn tượng bởi một lĩnh vực rất tiềm năng có quy mô nhiều tỷ USD này”, ông Hưng nói.
“Cá mập” không muốn “nuốt” startup
Shark Tank mùa 1 kết thúc với tỷ lệ cổ phần hoán đổi của các “cá mập” chỉ từ 20% – 51%, thì sang mùa 2, mức cổ phần hoán đổi của các “cá mập” ngồi ghế nóng đã lên tới 80%. Chẳng hạn, Shark Thuỷ đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần nhà hàng chay Pema hay như Shark Việt đầu tư 5 tỷ đổi lấy 50% cổ phần vào startup Nhiệt Mặt trời. Nhiều startup lo sợ việc mình bị thâu tóm, bị copy,… khi xuất hiện ở Shark Tank khi tỷ lệ nắm giữ “cá mập” quá cao.
“Không nhà đầu tư nào muốn nắm giữ cổ phần quá nhiều để nuốt công ty, công ty ấy chẳng có gì để “nuốt” cả. Việc xảy ra tình trạng tỷ lệ cổ phần chiếm nhiều do quy định của chương trình Shark Tank là không được giảm số tiền đầu tư.
Phần lớn dự án bị rơi vào tình trạng đó là do các bạn ảo tưởng về định giá doanh nghiệp của mình. Nếu tôi rất thích dự án này, mà các bạn đã trót định giá sai rồi, đương nhiên các nhà đầu tư không thể trả một cái giá quá đắt được, mà với số tiền này tương đương là phải tỷ lệ đó. Chẳng lẽ chúng tôi lại mua với 200% cổ phần doanh nghiệp?”, Shark Thủy nói.
Shark Thuỷ đạt tỷ lệ vàng đầu tư.
Vị “cá mập” cho rằng các startup phải có kỹ năng định giá và kiểm soát kỳ vọng của mình. Phần đa tình trạng yêu cầu cổ phần hoán đổi cao không đến từ mong muốn của các nhà đầu tư, mà đến từ định giá sai của các bạn khởi nghiệp.
Luật của Shark Tank trên toàn thế giới, không chỉ Shark Tank Việt Nam, là đảm bảo cho startup có được số tiền mà họ cần cho hoạt động kinh doanh của họ. Tức là, các Shark sẽ không được trả giá xuống thấp hơn số tiền yêu cầu, nên startup phải tính kỹ số tiền mình thực sự cần và định giá đúng.