Nhà chức trách, chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng mổ xẻ những tiềm năng phát triển logistics của Hải Phòng từ đó có những kế hoạch hành động mạnh mẽ tại Hội nghị: “Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng – nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng” diễn ra cuối tuần qua.
Hoạt động logistics của Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển cùng với sự gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39/160 nước với điểm số LPI (chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể: 3,27, xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32) trên bảng xếp hạng hoạt động logistics 2018, Việt Nam được đánh giá có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.
3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics
Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics như: Trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng với việc ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại, tiêu biểu trong thời gian gần đây là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Việt Nam có vị trí địa lý thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng: kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không… được cải thiện.
Ngành logistics có mức tăng trưởng cao 15-16%, số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là khoảng 3.000, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không… Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 30-40%.
Sự phát triển của ngành logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có tiềm lực và năng lực để đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, cảng Hải Phòng sẽ được nâng cấp, hoàn thiện các trang thiết bị và xây dựng hai bên tại Đình Vũ để tàu 20.000 DWT có thể lưu thông, đưa năng lực thông quan lên tới 25 – 30 triệu tấn/năm.
Hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng sẽ là nơi được hưởng lợi nhờ vị trí chiến lược gần các quốc gia Đông Bắc Á và cơ sở hạ tầng giao thông đang ngày càng hoàn thiện. Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đến năm 2020, Hải Phòng được xác định là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh phía Bắc nước ta, và Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), logistics là ngành đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và là một ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng đem lại giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, đánh giá về ngành logistic tại Việt Nam nói chung, ông Trần Thanh Hải thẳng thắn chia sẻ những hạn chế như tính chuyên nghiệp và hiệu quả còn thấp; Tính kết nối của hạ tầng logistics còn kém, đặc biệt không khai thác được đường sắt vào các cảng và khu công nghiệp; Quy hoạch hạ tầng logistics chưa đồng bộ với quy hoạch sản xuất, thương mại, nhiều chỗ manh mún; Ứng dụng công nghệ chưa nhiều…
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Ông Trần Thanh Hải cho biết, 3 trọng tâm logistics của Hải Phòng là dịch vụ cảng; kho bãi, xử lý; trung chuyển – dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, đội ngũ vận hành chuyên nghiệp. Trong đó, vấn đề trung chuyển của Hải Phòng có vai trò rất lớn, thể hiện tính kết nối, làm động lực cho liên kết vùng…
Hải Phòng hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định hiện nay Tp. Hải Phòng đã hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có thể tạo ra những đột biến để trở thành nơi trọng điểm về logistics của cả vùng, thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế của không chỉ thành phố này mà còn của cả nước.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nền kinh tế hiện tại có độ mở rất lớn, cùng cơ hội to lớn thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng hoạt động logistics không khác gì những “mạch máu” để cơ thể kinh tế phát triển. Hiện nay, Hải Phòng có một hệ thống hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ và thu hút được những nhà đầu tư chiến lược, tạo tiền đề cho nền công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ.
“Hải Phòng hiện nay như là trung tâm kinh tế công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, đồng thời trở thành một trung tâm dịch vụ logistics quan trọng của quốc gia”, Bộ trưởng nói.
Doanh nghiệp hiến kế
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cũng nhận định, Hải Phòng Phòng là thành phố cảng quan trọng của khu vực phía Bắc và cũng là một trong những thành phố quan trọng bậc nhất của Việt Nam với hệ thống cảng biển được đầu tư xây dựng, phát triển từ rất sớm và được đánh giá luôn là địa phương đi đầu về phát triển các dịch vụ hàng hải và dịch vụ cảng biển tại khu vực phía Bắc, hệ thống cơ sở hạ tầng về cầu bến, kho bãi và hệ thống giao thông kết nối cảng biển ngày càng mở rộng và hiện đại.
Hiện nay, khu vực cảng biển Hải Phòng có 47 bến cảng với tổng chiều dài cầu bến hơn 11km, trong đó có một số bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải đến 55.000 tấn. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa và tàu thuyền thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng luôn đạt mức cao từ 10-15%. Hệ thống cảng biển Hải Phòng sẽ phát triển hướng tới quy mô hiện đại, làm đầu mối chính xuất nhập khẩu cho toàn bộ các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh của quốc gia lân cận giáp danh biên giới phía Bắc, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh phía Bắc.
Đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển dịch vụ cảng và vận tải biển, mở rộng hoạt động dịch vụ logistics, ông Lê Quang Trung cho rằng cần triển khai đầu tư xây dựng Bến 3, 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (thông qua Cảng Hải Phòng) được trực tiếp đầu tư 2 bến cảng và khu dịch vụ hậu cần logistics ở khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.
Với việc được đầu tư thêm 2 bến tại Lạch Huyện, luồng tàu vào cảng sâu -14m, Cảng Hải Phòng có cơ hội đón những con tàu lớn. Khi đó, cảng sẽ nhanh chóng giải phóng hàng hóa, phục vụ yêu cầu tốt nhất cho chủ hàng.
Nhà chức trách, doanh nghiệp, chuyên gia hiến kế đưa Hải Phòng thành trung tâm logistics của cả nước.
Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, trung tâm logistics phù hợp với năng lực và phù hợp với quy hoạch phát triển. Trong chiến lược phát triển, khu vực Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng) được xác định là vị trí chiến lược phát triển cảng nước sâu.
Tổng công ty VIMC có chủ trương nghiên cứu việc đầu tư xây dựng các trung tâm phân phối hàng hóa, trung tâm logistics tại khu vực này để đón đầu xu thế hàng hóa dịch chuyển từ các cảng biển trong nội thành. Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics cần kết nối có hiệu quả vận tải biển với các phương thức vận tải khác tại khu vực cảng biển Hải Phòng.
Đại diện Hiệp hội doanh nghệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ông Nguyễn Duy Minh,Tổng Thư ký Hiệp hội cho rằng cần phát triển Hải Phòng thành trung tâm logistics Vùng phía Bắc và cả nước phục vụ Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và kết nối với Vùng phía nam của Trung Quốc bằng cách xây dựng một cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng khuyến khích hỗ trợ hoạt động như giải phóng mặt bằng, miễn, giảm giá thuê đất đối với các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng; giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được…