Cơ hội lớn cho sàn thương mại điện tử “Made in Vietnam”

0
1165
sendo

Thị trường ghi nhận tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của các sàn TMĐT nội địa như Sendo trên bản đồ TMĐT Việt.

Sức hút từ doanh nghiệp nội

Theo báo cáo của Google-Temasek năm 2018, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép 35% trong giai đoạn năm 2015-2018 và có giá trị 2,8 tỷ USD (chỉ tính giá trị của kênh doanh nghiệp tới người tiêu dùng-B2C). Nếu tiếp tục giữ tốc độ này, tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Theo đó, Việt Nam được dự đoán trở thành thị trường TMĐT lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á vào năm 2025.

Tuy nhiên, nếu so sánh với Ấn Độ, Trung Quốc hay Indonesia, thị trường TMĐT ở Việt Nam chỉ mới dừng ở mức “tiềm năng” với 3% tổng giá trị bán lẻ, dư địa để phát triển là rất cao. Với điều kiện thuận lợi về dân số, tăng trưởng kinh tế và còn mới mẻ trên bản đồ TMĐT quốc tế, thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút sự đầu tư rất lớn các doanh nghiệp.

Tiềm năng cũng kéo theo cuộc cạnh tranh khốc liệt, đưa các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam vào cuộc đua “đốt tiền” qua quảng cáo, hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực, thu hút khách hàng… Báo cáo của VNDirect, ước tính một doanh nghiệp TMĐT sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam. Trong sự khốc liệt đó, thị trường TMĐT đang được định hình bởi 4 tên tuổi lớn, đa số sử dụng mô hình kết hợp (B2C/C2C), trong đó có 2 cái tên được sáng lập bởi các tổ chức trong nước.

Đáng chú ý, trong cuộc rượt đuổi này, các doanh nghiệp nội địa lại đang tạo lợi thế. Chẳng hạn, riêng về lượt truy cập web trung bình, Sendo hiện nằm trong top 4 tại Việt Nam và top 10 khu vực Đông Nam Á trong năm 2018 với mức tăng trưởng trung bình khoảng 16% trong năm 2019. Hiện tại, sàn TMĐT này cũng sở hữu hơn 10 triệu sản phẩm thuộc 25 loại từ 370.000 người bán, với hơn 1.000 điểm giao nhận hàng hóa trên toàn quốc.

Ông Trần Hải Linh, CEO Sendo cho rằng trong năm 2019, các công ty nội địa sẽ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng hơn với các đối thủ trong khu vực. “Các sàn thương mại đang cố gắng xây dựng cho mình những tập khách hàng lớn nhất có thể, trên tập khách hàng đó, sẽ tạo ra nhiều những dịch vụ giá trị cho khách hàng để kiếm lời. Và đây là một quá trình dài hơi, đến lúc nào qui mô đủ lớn thì sẽ mang lại lợi nhuận”, ông Trần Hải Linh nhận định. Đây là tín hiệu cho thấy khả năng “soán ngôi” những ông lớn nước ngoài của những doanh nghiệp nội địa này trong tương lai rất gần.

Am hiểu văn hóa – quân bài chiến lược

Theo VNDirect, thị trường được dự báo tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn 2018-25, với tốc độ tăng trưởng kép 27% nhờ sự phổ biến của Internet và điện thoại thông minh cùng với thế hệ người tiêu dùng mới am hiểu công nghệ hơn. Cơ hội của các kênh mua bán TMĐT vẫn rất lớn, vấn đề hiện nay là tạo lợi thế lâu dài, trong đó thị trường nông thôn được coi là một mặt trận lớn. Thực tế, dân số của 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM chỉ chiếm hơn 16% dân số cả nước, trong khi đó 61 tỉnh, thành còn lại chiếm tới hơn 83%.

Nếu như các sàn TMĐT khác đang cạnh tranh nảy lửa để bảo vệ và giành chỗ đứng tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM, thì Sendo lại tập trung vào những người dùng ở khu vực chưa phát triển. Chiến lược nông thôn này đang mang lại lợi thế lớn cho Sendo.

Ông Hải Linh cho biết: “Người mua sắm sinh sống ở các thành phố trực thuộc tỉnh và các tỉnh lẻ – thị trường chưa được khai phá với quy mô khoảng 70 triệu người. Hiện nay, lượng khách hàng ở tỉnh lẻ của Sendo chiếm khoảng 2/3 tổng khách hàng của sàn”.

sendo

Sendo đang là doanh nghiệp có tham vọng nhất tại các thị trường nông thôn

Theo ông Jeremy Chew, chuyên viên về thị trường Đông Nam Á của iPrice, do đặc thù của ngành, các sàn TMĐT luôn phải hiểu rõ nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở từng quốc gia và đó chính là một lợi thế của các sàn nội địa như Sendo. Chẳng hạn, trước tâm lý thận trọng của người mua, Sendo chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt hoặc thanh toán điện tử từ người mua sau đó trả tiền cho người bán và đơn vị vận chuyển qua ví điện tử SenPay. Sendo tập trung quản lý vào hành vi của người bán hàng thay vì quản lý hàng hóa, từ đó duy trì những người bán tốt và loại bỏ những người bán không uy tín.

Hiện Sendo tiến tới rất gần mục tiêu 1 tỷ USD GMV (tổng số tiền hàng hóa bán được trên nền tảng) trước năm 2020. Sendo cũng là sàn duy nhất trong top 5 đạt tăng trưởng về lượng truy cập web trong quý II, trong khi các sàn còn lại đều bị sụt giảm.

Có thể thấy, Sendo là một trong những ví dụ điển hình của những cái tên nội địa đang bứt phá mạnh mẽ trong cuộc đua TMĐT. Việc tận dụng tốt thế mạnh am hiểu nhu cầu mặt hàng của địa phương, và giải quyết chính xác nhu cầu của số đông người tiêu dùng Việt là bí quyết giúp họ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Theo Nhịp sống kinh tế

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here