Đụng độ dưới đất chưa đủ, 2 ông lớn công nghệ đại chiến “trên mây”: Tencent mạnh tay đầu tư hàng trăm triệu tệ hòng “nẫng” khách hàng từ tay Alibaba

0
429

Mặc dù công nghệ của Tencent không vượt trội so với Alibaba nhưng giám đốc của Anchnet cho biết “ông chủ của chúng tôi rất muốn nhận được khoản đầu tư từ Tencent”.

Trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo công nghệ thông tin diễn ra năm 2010 tại Thâm Quyến, Jack Ma và Pony Ma đã được hỏi họ nghĩ gì về lĩnh vực điện toán đám mây còn non trẻ. Hai ông trùm công nghệ Trung Quốc đã có câu trả lời hoàn toàn không giống nhau.

Jack Ma, người sáng lập Alibaba gọi điện toán đám mây là cứu cánh cho tương lai của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của mình: “Nếu không tập trung vào lĩnh vực này, chúng ta sẽ chết”.

Trong khi đó, Pony Ma, CEO của gã khổng lồ giải trí trực tuyến Tencent thừa nhận rằng một ngày nào đó, các doanh nghiệp có thể sẽ muốn điều hành hoạt động trên máy chủ của bên thứ 3. Tuy nhiên, ông lập luận “sẽ mất hàng thế kỷ, nếu không nói là hàng ngàn năm để điều này thành hiện thực và còn quá sớm để khám phá cơ hội liên quan đến đám mây”.


Jack Ma (trái) và Pony Ma trong một sự kiện.

Thế nhưng gần 10 năm sau, Pony đã thay đổi quan điểm và muốn Tencent đuổi kịp và thậm chí là vượt mặt Alibaba về mảng điện toán đám mây. Một giám đốc Tencent cho biết: “Đây là mục tiêu của công ty. Pony sẵn sàng đầu tư trong 10 năm để biến nó thành hiện thực”.

Theo nhiều nguồn thạo tin, Tencent đã rót hàng triệu USD vào mảng này để bắt kịp Alibaba. Và tất nhiên, tập đoàn của Jack Ma sẽ không để Tencent tiến vào mà không xảy ra một cuộc chiến cạnh tranh giữa hai bên.

Điện toán đám mây – việc sử dụng mạng lưới các máy chủ từ xa để lưu trữ, quản lý và xử lý dữ liệu thay vì máy chủ cục bộ hoặc PC – đã trở thành một lĩnh vực bùng nổ. Theo công ty phân tích thị trường IDC, chi tiêu trên toàn thế giới cho các dịch vụ và cơ sở hạ tầng đám mây công cộng được dự báo sẽ đạt 210 tỷ USD trong năm nay, tăng từ mức dưới 170 tỷ USD trong năm ngoái.

Trung Quốc là thị trường đám mây công cộng lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, với chi tiêu ước tính đạt 10,5 tỷ USD trong năm nay. Do hạn chế về bảo mật của Bắc Kinh gây khó khăn cho các công ty công nghệ phương Tây như Amazon và Microsoft trong việc xử lý dữ liệu, các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến trị giá hàng tỷ USD chủ yếu dành cho những công ty trong nước.

Alibaba hiện đang là đơn vị đứng đầu nhưng dữ liệu của IDC cho thấy Tencent đang dần khẳng định chỗ đứng của mình. Trong một trong những hình thức dịch vụ đám mây phổ biến nhất tại đất nước tỷ dân, Tencent đã đạt thị phần 11,5% vào năm ngoái. Con số này tuy còn thua xa so với 43% thị phần của Alibaba Cloud (AliCloud) nhưng là một sự cải thiện đáng kể so với mức 7,4% trong năm 2016. Người đứng đầu nghiên cứu viễn thông và Internet của công ty CLSA, Elinor Leung nhận định khoảng cách giữa hai công ty dự kiến sẽ thu hẹp hơn nữa trong tương lai.

Tencent và Alibaba, hai tập đoàn đều có vốn hóa thị trường gần nửa nghìn tỷ USD, vốn dĩ đã không còn xa lạ với việc cạnh tranh lẫn nhau. Cả hai đụng độ trên mọi mặt trận, từ quảng cáo trên Internet đến giao thực phẩm.

Alibaba kiểm soát 36% doanh số quảng cáo trực tuyến của Trung Quốc so với 15% của Tencent. Mặt khác, Tencent lại đánh bại Alibaba trong mảng giao đồ ăn, với 61% khách hàng Trung Quốc đặt hàng qua Meituan Dianping được Tencent hậu thuẫn so với 37% người sử dụng Ele.me của Alibaba.

Chuyên gia cho biết dịch vụ điện toán đám mây sẽ không chỉ mang lại doanh thu hàng tỷ USD mà còn định hình ngành công nghệ Trung Quốc bởi những thành phố, ngành công nghiệp và tất cả các loại công nghệ tương lai sẽ phụ thuộc vào đám mây.


Một trung tâm dữ liệu của Tencent.

Hiện cả Alibaba và Tencent đều đang chấp nhận thua lỗ trong hoạt động đám mây. Tuy doanh thu tăng trưởng nhanh chóng nhưng mảng kinh doanh này của Alibaba đã mất hơn 145 triệu USD chỉ trong quý đầu năm nay. Còn Tencent không tiết lộ khoản lỗ của mình.

Có thể nói, điện toán đám mây chính là chìa khóa để hai tập đoàn này phát triển lên một tầm cao mới là phục vụ khách hàng doanh nghiệp, chứ không chỉ riêng người tiêu dùng. Đây là bước chuyển mình quan trọng khi tăng trưởng bắt đầu chậm lại trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái của Trung Quốc.

Dù doanh số từ dịch vụ đám mây chỉ chiếm một phần doanh thu của Alibaba nhưng năm ngoái, CEO Daniel Zhang, người kế nhiệm Jack Ma đã nói rằng hoạt động này có thể phát triển vượt xa cả thương mại điện tử và trở thành hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn trong tương lai.

Về phần mình, Tencent gọi điện toán đám mây là một trong những hoạt động kinh doanh cốt lõi bên cạnh trò chơi và mạng xã hội của mình vào tháng 9 năm ngoái. Tập đoàn cam kết trở thành một “trợ lý kỹ thuật số cho tất cả các ngành công nghiệp” trong thời gian tới.


Trận chiến cân tài cân sức giữa Alibaba và Tencent.

Mặc dù là người đến sau nhưng Tencent đã có được chỗ đứng bằng cách tập trung vào lĩnh vực mà họ hiểu rõ. Trong mảng game, nơi công ty này là đơn vị phát hành số 1 tại Trung Quốc, họ đã thuyết phục được 75% công ty game sử dụng dịch vụ đám mây của mình.

Nhà điều ứng dụng nhắn tin WeChat có hơn 1,1 tỷ người dùng hoạt động cũng tận dụng thế mạnh của mình về mạng xã hội. Ít nhất 160.000 cửa hàng, nhà hàng và doanh nghiệp đã dùng WeChat để tương tác với khách hàng và sử dụng dịch vụ đám mây của Tencent.

Nhưng để đánh bại AliCloud, Tencent biết rằng họ phải làm tốt hơn thế gấp nhiều lần. Anchnet, nhà phát triển phần mềm dựa trên đám mây là một công ty vừa chuyển từ AliCloud sang Tencent Cloud. Nguyên nhân là vì Tencent đã đầu tư 100 triệu Nhân dân tệ vào hoạt động kinh doanh của họ.

Mặc dù công nghệ đám mây của Tencent không vượt trội so với Alibaba nhưng giám đốc của Anchnet cho biết “ông chủ của chúng tôi rất muốn nhận được khoản đầu tư từ Tencent”. Vì vậy, công ty này đã quay lưng lại với AliCloud, mang theo hơn 2.000 công ty sử dụng phần mềm của mình đứng về phía Tencent.

Tháng 5 vừa qua, Tencent đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu đầu tiên tại thành phố Côn Minh. Ở đó, người tham dự được trải nghiệm các loại khóa thông minh, thiết bị đo độ ẩm trong nhà cùng nhiều thiết bị kết nối khác. Tất cả đều được xây dựng trên nền tảng đám mây của Tencent và các nhà phát triển không phải trả bất cứ khoản phí nào.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của Tencent, một nhà phân tích khác cho biết Alibaba vẫn có vị thế tốt hơn để giành chiến thắng trong cuộc chiến này với Tencent. Tập đoàn của Jack Ma đã phát triển “chuyên môn sâu” về điện toán đám mây trong những năm qua và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh phía trước.

Từ khi ra mắt hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây năm 2009, Alibaba đã xây dựng lực lượng lao động hùng hậu với hơn 10.000 người trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Tencent chỉ có khoảng 4.000 nhân viên tính đến thời điểm hiện tại.

Kim Tình( Theo Trí Thức Trẻ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây