Mopo sau khi Shark Hưng rót 1 triệu USD: Đã gặp CEO VinFast để thương thảo cung cấp pin xe điện, bắt tay với chị bán trà đá, anh bán tạp hóa để xây cả ngàn trạm sạc-đổi “kiểu Grab”

0
607

Rót 1 triệu USD vào pin thông minh Mopo, Shark Hưng cho biết định hướng kinh doanh của startup này là đi theo cả hai hướng B2B và B2C, nhưng B2B sẽ là chiến lược mấu chốt. Cụ thể, Mopo nhắm tới việc cung cấp pin cho các hãng xe điện, ô tô điện theo hình thức ODM. Shark Hưng cho biết ông cũng đã gặp CEO VinFast và đàm phán ở mức độ nhất định…

Mới đây, dự án pin thông minh Mopo trực thuộc công ty Power Centric của chàng Việt kiều Mỹ Nguyễn Minh Ngọc đã được CTCP tập đoàn Thế Kỷ Cengroup chính thức đầu tư. Trước đó, startup này đã được Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup – cam kết rót vốn 1 triệu USD trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh của Mopo, Shark Hưng cho biết startup này sẽ đi theo cả hai hướng: B2B (Business to Business – bán hàng cho Doanh nghiệp) và B2C (Business to Customer – bán hàng tới Người dùng cuối).

B2C không phải chiến lược lớn của Mopo mà phải là B2B… Đấy là lượng khách hàng lớn và bình ổn“, Shark Hưng cho biết.

Sẽ cung cấp pin cho các hãng xe điện, đã có đàm phán nhất định với CEO VinFast

Tính đến nay, Mopo đã hoàn thành việc ra mắt đồng thời 4 sản phẩm chủ đạo gồm: Pin lithium-ion Mopo cùng phụ kiện như bộ chuyển điện, bộ sạc, app quản lý trạng thái pin; Tủ và trạm sạc đổi pin; Xe điện Xyndi; Tấm thu năng lượng dùng trong gia đình và di động.

Với định hướng B2B, Mopo nhắm tới 2 tệp khách hàng.

Một là, cung cấp pin theo dạng ODM cho các hãng phát triển xe điện, ô tô điện. ODM là viết tắt của từ Original Designed Manufacturer hay còn gọi là nhà thiết kế sản phẩm gốc, một dạng thức sản xuất cao hơn của OEM (Original Equipment Manufacturer) – nhà sản xuất thiết bị gốc. Nếu như OEM là sản xuất gia công theo thiết kế và đặt hàng từ một công ty khác, thì ODM đảm nhiệm cả công việc thiết kế, tạo ra sản phẩm theo sự chỉ định của khách hàng.

“Tôi đã làm việc với hầu hết các hãng xe lớn ở Việt Nam. Với VinFast, tôi cũng đã gặp CEO VinFast và đàm phán ở mức độ nhất định”- Shark Hưng

Ở trường hợp này, Mopo sẽ cung cấp sản phẩm pin theo yêu cầu của các hãng xe điện, và tên thương hiệu có thể mang tính đồng sở hữu, ví như BMW – Mopo chẳng hạn.

Tôi đã làm việc với hầu hết các hãng xe lớn ở Việt Nam. Với VinFast, tôi cũng đã gặp CEO VinFast và đàm phán ở mức độ nhất định để làm sao có thể hợp tác được với nhau“, Shark Hưng chia sẻ.

Khách hàng B2B thứ hai Mopo nhắm tới là các nhà sản xuất năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, cung cấp giải pháp tổng thể cho những công trình sử dụng năng lượng mặt trời, tức cung cấp cả trạm thu và tích trữ năng lượng.

Với khách hàng B2C, Mopo hướng tới cung cấp pin lưu trữ năng lượng cho hộ gia đình, cung cấp sản phẩm dùng thay thế máy phát điện dự phòng hay sạc điện du lịch.

Xây dựng hệ thống hàng ngàn trạm đổi/sạc bằng việc bắt tay với từng chị bán trà đá, anh bán tạp hóa

Ảnh: NĐT.

Nhìn vào thị trường xe điện, Shark Hưng phân tích: Hiện nhiều người ngại đi xe đạp điện, xe máy điện vì chuyện sạc/đổi pin. Một chiếc xe điện trung bình đi được 20 – 30km với phiên bản ắc quy chì, 50km với phiên bản pin lithium-ion.

Hết 50km thì sao? Chẳng nhẽ quay về nhà sạc hay ghé đâu đó bảo “Bác ơi em cắm sạc nhờ tí?” Mà không phải lúc nào cũng có sẵn sạc tương thích để cắm, mà có đi nữa thì cắm xong cũng phải đợi chừng 1 -2 tiếng. Cho nên, đây là chuyện “con gà – quả trứng”. Quan điểm của Power Centric là phải phát triển được một hệ sinh thái cho ứng dụng của nó. Trước mắt, chúng tôi sẽ trang bị điểm sạc“, Shark Hưng nói.

Ai đang buôn tạp hóa, bán báo, nước chè, đầu tư trạm sạc/đổi tầm 100 triệu đồng thì hoàn toàn có thể thu lại lợi nhuận trong vòng vài ba năm. App của chúng tôi giống như Grab, muốn phục vụ khách thì các bạn bật lên, muốn nghỉ thì tắt

Vì vậy, bên cạnh các sản phẩm như pin, xe điện, Mopo còn có ứng dụng trên điện thoại di động để quản lý và vận hành pin. Theo đó, chỉ cần quét mã QR để kiểm tra tình trạng pin, tìm kiếm trạm sạc/ đổi pin gần nhất. Ứng dụng có thể chạy trên cả 2 hệ điều hành IOS và Android. Mopo đồng thời nhắm mục tiêu cung cấp 2.000 trạm sạc/đổi trên toàn quốc, tập trung ở các thành phố lớn.

Trước nghi ngại về con số lên tới hàng nghìn trạm sạc/đổi vì khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng, đặc biệt ở các thành phố lớn, Shark Hưng cho rằng việc xây dựng một trạm sạc/đổi không quá khó khăn như xây dựng một cây xăng. Bên cạnh việc không vướng rào cản về nhiêu khê thủ tục xin cấp phép như trạm xăng, một trạm sạc đổi với dung tích tương đương một chiếc tủ lạnh 100 – 200 lít lại chiếm diện tích rất khiêm tốn, dễ dàng đặt ở bất kỳ đâu, như tiệm tạp hóa chẳng hạn.

Hiện công ty đã có mấy chục trạm ở ngoài thị trường. Về việc đặt trạm, nếu mình hợp tác với cây xăng thì lợi ích không chung nhau, nhưng hợp tác với chị bán chè, anh bán tạp hoá – những anh chị có một số tiền nhỏ sẵn sàng đầu tư, sau một thời gian ngắn sẽ hoà vốn thì lại khác“, ông Nguyễn Ngọc Minh – Founder kiêm CEO của Power Centric – chia sẻ.

Theo phân tích của ông Minh, ngoài việc đem lại một nguồn thu đều đặn, việc các quầy bán nước chè, tiệm tạp hóa đặt trạm sạc/đổi của Mopo tại đó còn tạo ra một luồng traffic cho chính họ.

Quý vị nào đang buôn bán tạp hóa, nhà nào bán báo, nước chè, đầu tư trạm sạc/đổi tầm 100 triệu đồng thì hoàn toàn có thể thu lại lợi nhuận trong vòng vài ba năm. App của chúng tôi giống như Grab, muốn phục vụ khách hàng thì các bạn bật lên, muốn nghỉ ngơi thì tắt“, Shark Hưng nói thêm.

Với đường hướng kinh doanh này, CEO Power Centric đã vẽ ra một kế hoạch “nhảy số” tham vọng kinh khủng, “với doanh thu tăng trưởng cả trăm, nghìn lần liên tục trong vòng 5 năm” – Shark Hưng tiết lộ. Ông cũng cho biết đã phải xây dựng một kế hoạch “bảo thủ” hơn để kéo vị CEO trẻ xuống.

Sau khi Mopo lên Shark Tank Việt Nam, đến thời điểm này, Shark Hưng cho biết doanh thu của Mopo đã tăng 2.000% so với năm ngoái.

Kim Tình( Theo Trí Thức Trẻ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here