Quá trình đi chệch hướng trong khởi nghiệp sẽ đến rất nhanh nếu người dẫn dắt không có những mục tiêu đủ rõ ràng, đủ ý nghĩa; không có những cách thức đo lường rủi ro và không duy trì động lực để vươn tới mục tiêu đã đề ra.
Theo kinh nghiệm của những nhà đầu tư đã thành công, “Big Goals – Small Wins” (mục tiêu lớn – chiến thắng nhỏ) là con đường giúp các cá nhân, tổ chức đạt được những mục tiêu của mình.
Khi các quỹ đầu tư gặp gỡ nhà sáng lập start-up để cân nhắc đầu tư, họ thường hay hỏi về mục tiêu của công ty trong 5 năm, 10 năm tới. Đó là có thể là một bức tranh lớn và ở rất xa, đặc biệt là đối với các start-up ở giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng, nếu bức tranh đó đủ lớn lao, ý nghĩa, đủ truyền cảm hứng và tạo tác động tới cuộc sống của mọi người, thì lập tức nhà đầu tư sẽ muốn trở thành một phần trong bức tranh đó.
Hầu hết nhà đầu tư cho rằng, một mục tiêu lớn thực sự cần phải chạm tới phần bên trong cảm xúc của mỗi người với mong muốn mạnh mẽ đạt được nó. Chúng cần được kết nối với mục đích tốt đẹp thực sự, để con người sống thật và trở thành phiên bản tốt nhất của mình.
“Nếu start-up mang trong mình mục tiêu lớn thực sự, điều đó không chỉ truyền động lực mạnh mẽ cho nhà sáng lập, mà cho cả đội ngũ cộng sự, bao gồm những tài năng tương lai muốn đầu quân cho start-up, những đối tác kinh doanh tiềm năng và cả những nhà đầu tư mạo hiểm tham gia đồng hành”, đại diện một quỹ đầu tư cho hay.
Tuy nhiên, ranh giới giữa mục tiêu cao cả và mục tiêu viển vông khá mong manh. Vì vậy, gần đây, nhiều người đã truyền tai nhau công thức giúp đặt ra mục tiêu lớn của mình một cách “thông minh” hơn, đó là công thức “SMART”.
Công thức này bao gồm: “Specific” – start-up phải có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc bản thân ở vị trí hiện tại và vị trí muốn đến; “Measurable” – mục tiêu có thể đo lường rõ ràng; “Actionable” – mục tiêu phải khả thi, có thể thực hiện từng bước trong khả năng và sự kiểm soát của mình; “Realistic” – mục tiêu phải đủ thực tế và “Time bound” – mục tiêu phải có thời gian cụ thể đi kèm.
Sau khi đưa ra được mục tiêu lớn “chuẩn SMART”, thì start-up cũng phải biết cách tạo những chiến thắng nhỏ, thì mới có thể đi đến thành công.
Đối với một start-up, mỗi ngày dù bán được một đơn hàng, chốt được một hợp đồng mới, có thêm một mối quan hệ… cũng được coi là chiến thắng và từ đó, con đường đi đến thành công sẽ rộng mở hơn. Bởi vì, không có công ty nào mở ra là thành công ngay. Không có cửa hàng nào mở ra là bán được hàng trăm, hàng ngàn đơn hàng mỗi ngày. Những công ty vĩ đại như Apple, Samsung, Amazon… cũng đều được xây dựng trên những cải tiến nhỏ, liên tục, vững chắc mỗi ngày.
Văn Đinh Hồng Vũ, Giám đốc điều hành Elsa chia sẻ, một trong những kỹ thuật giúp Elsa học từ thành công, thất bại cũ để thực hiện các bước đi mới là viết càng nhiều càng tốt.
Cụ thể, sau mỗi lần tung sản phẩm, trong vòng 2 tuần sau đó, đội ngũ sẽ dành ra nửa ngày để kiểm tra lại những quy trình tốt và không tốt; dành thời gian để viết lại bài học kinh nghiệm. Nhờ đó, vấn đề được phát hiện ngay trong thời gian triển khai sản phẩm và sẽ không vấp phải sai lầm trước đó.
CEO này cho rằng, Elsa giành chiến thắng không phải nhờ may rủi, mà phải nỗ lực để đạt được những thành công nhỏ, qua đó nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, thị trường.
Thành công sẽ đến từ một chuỗi chiến thắng nhỏ. Start-up cần biết lên kế hoạch và thực hiện cách hiệu quả để giành được những chiến thắng như vậy.