Triết lý thùng gạo dạy cho chúng ta hiểu rằng: Tốt với người khác 99 ngày, họ không để tâm, nhưng chỉ cần không tốt với họ 1 ngày, họ sẽ ghi thù cả đời.
Có câu chuyện kể lại rằng, ngày xưa, hai gia đình là hàng xóm của nhau cùng chung sống vô cùng vui vẻ, không có thù oán gì, dù một bên thì vô cùng giàu có, một bên lại khá là nghèo nàn.
Bỗng một năm, khi ông trời giáng xuống thiên tai, hủy hoại hết ruộng đồng và nương lúa, mùa màng thất bát khiến gia đình nghèo không có gì để thu hoạch, cũng không có thức ăn dự trữ mà chỉ có thể nằm không chờ chết đói mà thôi. Vào lúc này, nể tình hàng xóm qua lại bấy lâu, hộ nhà giàu đã lấy ra 1 thúng gạo trong số lương thực tích trữ của mình để cứu họ khỏi cơn nguy nan.
Sau khi trải qua thời gian khó khăn nhất, gia đình nghèo sang bày tỏ lòng cảm ơn với vị hàng xóm hào phóng của mình. Họ nhắc đến việc mùa màng năm sau không có hạt giống mà sầu lo, vì thế, những người giàu tiếp tục giúp đỡ bằng cách tặng họ một đấu thóc để gieo trồng.
Thế nhưng lần này, thứ mà những người nhà nghèo trả cho họ không phải là lời cảm ơn mà là sự trách móc. Hộ gia đình nghèo nói rằng: “Một đấu thóc này thì làm được gì chứ, gieo không được chục mét nữa là. Mấy người này giàu có mà sao lại keo kiệt và tệ bạc thế nhỉ?”.
Gia đình nhà giàu nghe vậy thì cực kỳ tức giận. Họ vốn có lòng tốt giúp đỡ mà không hề kể công hết lần này đến lần khác nhưng chỉ đổi lại được những lời oán thán và đố kỵ. Từ đó, quan hệ giữa hai bên không khác gì kẻ thù. Sau câu chuyện này, người ta mới bảo nhau rằng: Một bát cơm có thể nuôi ân nhưng 1 thúng thóc có thể tạo oán thù.
Khi sự giúp đỡ và cho đi đã trở thành thói quen thì người nhận sẽ không còn cảm thấy biết ơn nữa. Dục vọng giống như nước biển, uống càng nhiều thì chúng ta càng khát. Do đó, chúng ta có cho đi bao nhiêu thì cũng không thể thỏa mãn hết mọi ham muốn của người khác.
Khi đối phương ở trong hoàn cảnh đói khổ hiểm nguy, chúng ta chỉ cần cho họ một chén cơm, một bát gạo đã có thể giải quyết được vấn đề lớn, cứu rỗi sinh mạng. Họ sẽ cảm thấy vô cùng cảm kích. Tuy nhiên, khi họ đã thoát khỏi hiểm cảnh mà vẫn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ thì rất dễ nảy sinh tư duy ỷ lại và dựa dẫm.
Từ đó, sự giúp đỡ của chúng ta trở thành một hành động đương nhiên. Lúc đó, một chén gạo không đủ, hai chén gạo vẫn không đủ, ba hay bốn chén hay thậm chí là cả thùng gạo vẫn chỉ như muối bỏ biển mà thôi.
Trong cuộc sống, sự cho đi và nhận lại đều chỉ nên dừng ở một mức độ vừa phải, sao cho thích hợp với hoàn cảnh của cả đôi bên. Không thể cho đi quá nhiều, cũng không thể chỉ nhận lại một cách vô cớ, được voi đòi tiên, nếu không muốn rơi vào cảnh mất cả chì lẫn chài, tự làm hại bản thân.
Nó cũng tương tự với trường hợp mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo. Bạn làm điều ấy rất thường xuyên và vui vẻ. Đứa trẻ ấy cũng có vẻ rất yêu bạn. Mỗi ngày thấy bạn, nó đều cười tươi và chạy đến nhận kẹo. Nhưng rồi một ngày, bạn xoa đầu nó và bảo: “Hết kẹo rồi”. Bỗng dưng bạn thấy nó rất khác. Nó gào ầm lên rằng bạn keo kiệt, bạn xấu xa. Hoặc nó đi khắp nơi để nói xấu bạn.
Bài học rút ra trong đó cho chúng ta hiểu rằng, triết lý viên kẹo có nghĩa là khi bạn cho ai khác một thứ gì, nhiều khi họ sẽ không nghĩ ấy là món quà, họ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm mà bạn bắt buộc phải làm cho họ. Và khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn, coi đó là hành vi xấu xa và vô trách nhiệm.
Bạn là người nhiệt tình với bạn bè, ai cần giúp đỡ gì cũng tới. Nhưng một ngày bạn vừa bị mất việc, trong tay không một xu nào để giúp nữa, họ cũng oán trách bạn.
Hoặc như bạn là người cần mẫn chăm chỉ với công việc, mỗi ngày không ngại mệt mỏi để tăng ca, chủ động trực đêm trực hôm, hoàn thành tốt mọi yêu cầu của lãnh đạo, nhưng sếp lại chỉ coi đó là bổn phận, là một lẽ đương nhiên. Nếu một ngày, bạn đau ốm mà trễ nải công việc, họ cũng oán trách bạn.
Với nhiều người, cho dù bạn có cho họ kẹo mỗi ngày, thì họ cũng không hề để tâm. Nhưng chỉ cần 1 ngày duy nhất bạn không cho họ kẹo, họ sẽ chỉ nhớ mỗi một ngày đó mà thôi. Sống ở đời, đừng sống quá tốt, cũng đừng quá rộng rãi vì không phải ai cũng trân trọng sự chân thành của mình.
Theo Tri Thức Trẻ