Đối với nhiều sinh viên mới ra trường, nghề sale không phải là một sự lựa chọn ưu tiên của họ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đó lại là xuất phát điểm tuyệt vời cho sự nghiệp thành công.
Thực tế thống kê cho thấy, hơn 80% lãnh đạo các công ty đều xuất thân từ nghề bán hàng. Đây có thể là môi trường học tập kinh nghiệm rất tốt nếu bạn muốn trở thành nhà quản lý hay chủ doanh nghiệp trong tương lai. Nhiều người lý giải rằng, sales là phần khó nuốt nhất trong công ty và khi tôi luyện được thành người bán hàng giỏi thì họ có nhiều tố chất để vươn lên vị trí cao nhất.
Bán hàng (hay Sale) là một bước khởi động vô cùng tuyệt vời với những bài học giá trị cho những ai vừa bước ra khỏi cánh cổng Đại học. Nhưng đây cũng là một thị trường vô cùng khắc nghiệt, với tỉ lệ đào thải cao.
Hầu hết chúng ta bước chân vào lĩnh vực kinh doanh với suy nghĩ mình có thể làm được. Nhưng chóng thôi, bạn sẽ nhận ra mình không giỏi như bạn nghĩ, con đường trở thành một nhân viên sale chuyên nghiệp không hề đơn giản. Với một nghề phải va chạm nhiều như sale, để thành công bạn phải đặt cái “tôi” của mình sang một bên và thay đổi những kỳ vọng của bản thân để thích hợp với hoàn cảnh. Và tốt nhất là ghi nhớ 5 bài học đặc biệt chỉ dành cho dân sale dưới đây:
1. Mỗi người sẽ đạt được kết quả khác nhau dù được giáo dục như nhau
Hầu như tất cả mọi sinh viên khi ra trường đều rất hào hứng với công việc đầu tiên và nghĩ là mình sẽ làm được rất nhiều thứ “ra trò”. Nhưng bạn sẽ sớm nhận ra, những gì mình được học trên nhà trường chỉ là lý thuyết mà thôi, thực tế áp dụng thì khác xa. Nhất là với dân sale, bằng cấp hay nền giáo dục chẳng giúp bạn được mấy đâu.
Chỉ tiêu để đánh giá một nhân viên bán hàng là doanh thu họ mang về, điều này phụ thuộc rất nhiều vào môi trường, hoàn cảnh, khách hàng và các ứng biến của họ trước những tình huống thực tế. Phần lớn những người mới bước chân vào nghề sale đều cảm thấy thiếu kinh nghiệm, nản chí, cảm thấy mình không phù hợp với nghề.
Một cách để giúp bạn dễ dàng bán hàng hơn là hãy đặt mình vào vị trí khách hàng để tưởng tượng ra những tình huống có thể xảy ra và những cách ứng biến nên thực hiện. Điều này cũng sẽ giúp bạn dễ hòa nhập với môi trường làm việc mới.
2. Biết cách làm cũ chính mình
Đã làm nhân viên kinh doanh, bạn phải tiếp xúc với rất nhiều kiểu khách hàng, ở rất nhiều tầng lớp, địa vị, tuổi tác… khác nhau. Các bạn trẻ mới đi làm sale thường thích phục vụ các khách hàng trẻ trung thay vì nhóm khách hàng cao tuổi, thích truyền thống. Điều này chính là một sai lầm bạn nên tránh.
Biết cách làm cũ chính mình là một cách hữu hiệu để bán được hàng cho những vị khách cao tuổi, khó tính. Nếu bạn buộc phải làm việc với những vị khách không cùng thế hệ, đừng vội nản chí hay chán ghét. Bạn nên bắt đầu bằng việc ghi chép, sử dụng văn bản giấy tờ nhiều hơn thay vì máy tính, đến sớm… đều là những cách “lấy lòng” khách hàng có tuổi và dễ dàng mời chào hơn.
3. Thường xuyên cập nhật các công nghệ mới
Trái ngược với điều thứ 2, một nhân viên kinh doanh còn cần phải biết những công nghệ mới mỗi ngày, đặc biệt khi chúng có liên quan đến chuyên môn hoặc lĩnh vực kinh doanh mà bạn đang làm việc. Chúng ta đang sống trong một thời đại công nghệ, nơi mà những thay đổi kỹ thuật số diễn ra mỗi giây, mỗi phút. Là một người trẻ, bạn có lợi thế ở khả năng nắm bắt những thay đổi của công nghệ và dễ dàng thích nghi.
Khách hàng sẽ rất hài lòng khi nhận được một câu trả lời rõ ràng cho vấn đề công nghệ mà họ chưa cập nhật kịp. Và đây cũng là cơ hội để bạn gây ấn tượng với sếp hoặc đồng nghiệp vì sự cầu tiến của bản thân.
4. Không ngừng xem xét, cân nhắc
Người trẻ, mà lại còn làm sale, là những người vô cùng năng động, thoải mái và tự tin. Nhưng dù có thoải mái thế nào thì cũng hãy chú ý những hành vi của mình đối với mọi người xung quanh. Có một mối liên hệ giữa tuổi trẻ và sự non nớt, điều này không thể chối cãi.
Bạn cần có một ranh giới giữa sự cá nhân và sự chuyên nghiệp. Ở một môi trường bình thường, bạn nên chú ý không hành động quá khích, hạn chế những chủ đề đàm thoại gây tranh cãi và tránh xa cãi cọ hay những tin đồn chốn công sở.
Còn ở những môi trường chuyên nghiệp hơn, họ ít để ý những vấn đề cá nhân của bạn mà chỉ quan tâm đến năng lực và khả năng đóng góp của bạn. Vì thế, tùy thuộc môi trường mà bạn nên có cách hành xử đúng mực, phù hợp văn hóa.
“Hầu hết mọi người nghĩ “bán hàng” nghĩa là “nói chuyện”. Nhưng một nhân viên bán hàng giỏi thực sự cần phải biết lắng nghe, đó mới là điều quan trọng nhất” – Roy Bartell.
5. Tận dụng lợi thế tuổi trẻ
Không có gì quý hơn tuổi trẻ bạn đang có trong tay, vì thế đừng quên tận dụng nó. Những nhân viên kinh doanh trẻ tuổi có nhiều quan điểm độc đáo, kỹ năng và cách thức làm việc riêng biệt. Bạn nên phát huy sự độc đáo đó, đừng ngần ngại.
Dù bạn khác biệt như thế nào, nhưng nền tảng là những kiến thức chuyên môn và sự tôn trọng dành cho khách hàng thì không bao giờ có thể khác. Ngoài ra, đừng quên xây dựng một mối quan hệ hài hòa với đồng nghiệp để giúp đỡ lẫn nhau “đối phó” với khách hàng.
Tổng hợp