Khi kinh tế số bùng nổ kéo theo khoản đầu tư hàng trăm triệu USD từ các công ty nước ngoài, vẫn có những doanh nghiệp nội địa sẵn sàng đứng vững giữ gìn huyết mạch kinh tế nước nhà.
Sự thay đổi nhanh chóng của thị trường kinh tế số
Không thể phủ nhận, sự phát triển vượt bậc về công nghệ đã giúp kinh tế Việt Nam có những bước nhảy lớn trong thời gian gần đây, thể hiện rõ nhất qua 2 lĩnh vực gồm tài chính công nghệ (fintech) và thương mại điện tử (e-commerce), đặc biệt trong bối cảnh lượng người dùng internet Việt Nam đang tăng mạnh trong thời gian gần đây. Năm 2010 chỉ có hơn 30 triệu người dùng internet thì tới năm 2018 con số này đã tăng lên tới hơn 55 triệu.
Với những lợi thế về người dùng trong độ tuổi dân số vàng, hạ tầng đảm bảo, các cơ chế chính sách đầu tư thông thoáng… Việt Nam dần trở thành thị trường đầy màu mỡ thu hút làn sóng vốn ngoại.
Đây vừa là cú hích để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam; nhưng cũng đồng thời là rào cản và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.
Làn sóng vốn ngoại và nguy cơ bị “cá mập” nước ngoài thâu tóm
Theo số liệu nghiên cứu từ đơn vị tư vấn Solidiance, thị trường fintech Việt Nam năm 2017 đã đạt quy mô tới 4,4 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Fintech cũng là một trong nhiều lĩnh vực dẫn đầu thu hút đầu tư nước ngoài cùng nhiều thương vụ có tổng giá trị hàng trăm triệu USD.
Một vài khoản đầu tư tiêu biểu có thể kể đến 542 tỷ đồng của UTC Investment nhằm mua lại 65% cổ phần của VNPT Epay. Đại gia SEA cũng đang nắm giữ tới 45% VNPAY. Trước đó, năm 2016 cũng ghi nhận thương vụ 2 quỹ đầu tư Goldman Sách và SCPE rót 28 triệu USD vào ví điện tử Momo, sàn kết nối tài chính Tima nhận được 3 triệu USD từ Belt Road Capital Management vào cuối năm 2018.
Tương tự, thương mại điện tử trong nước cũng ghi nhận nhiều khoản vốn khổng lồ từ các công ty lớn trên thế giới.
Số liệu Statista năm 2018 cho thấy, doanh thu thị trường toàn ngành đã đạt 2,269 tỷ USD, đưa Việt Nam lọt vào top 6 thị trường thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu, thu hút hàng ngàn tỷ đồng từ các đại gia đầu tư quốc tế.
Một vài ví dụ về “cá mập” nuốt trọn ngành bán lẻ trực tuyến Việt Nam có thể kể đến khoản tiền 50 triệu USD do SEA – công ty mẹ của Shopee rót vào sàn thương mại điện tử này vào đầu năm 2018.
Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng chi ra 2 tỷ USD vào Lazada, tiến tới sở hữu 83% cổ phần nhằm chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á. Tiki cũng nhận được 44 triệu USD từ tập đoàn JD của Trung Quốc.
Cần sự dẫn dắt của những doanh nghiệp nội địa dám tiên phong
Tiềm năng thị trường và tốc độ phát triển chóng mặt ở những lĩnh vực như e-commerce và fintech vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn với toàn nền kinh tế Việt Nam.
Khi dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào ồ ạt như hiện nay, nếu doanh nghiệp không có những thay đổi chiến lược về mặt định hướng kinh doanh, công nghệ kết nối và hạ tầng thanh toán để bắt kịp xu thế, nền kinh tế trong nước sẽ dễ dàng mất đi sự tự chủ vốn có của mình, thậm chí đứng trước nguy cơ bị chiếm lĩnh.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là, làm thế nào để Việt Nam có thể tự chủ, xây dựng một hạ tầng thanh toán tài chính quốc gia và giữ gìn huyết mạch nền kinh tế nước nhà? Sứ mệnh này dù không hề dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được, đến từ sự nỗ lực của chính những doanh nghiệp lớn mạnh tại Việt Nam.
Đáng chú ý nhất, gần đây một trong những ông lớn công nghệ – Viettel cũng đã tham gia vào thị trường chuyển đổi số tại Việt Nam.
Với 30 năm kinh nghiệm về công nghệ và viễn thông, Viettel là một trong số ít những đơn vị có đủ tiềm lực để thực hiện sứ mệnh với nền kinh tế nước nhà, với tầm nhìn “Khởi nguồn cuộc sống số”, Tập đoàn Viễn thông – Quân đội đã chính thức cụ thể hóa bước phát triển của mình bằng sự ra mắt của Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (VDS). .
Một trong những sản phẩm nổi bật của Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel chính là ViettelPay – Ngân hàng số đã có hơn 5,9 triệu người dùng chỉ sau 1 năm ra mắt.
Trong thời gian sắp tới, VDS khẳng định sẽ là một trong số ít những đơn vị đầu tiên thực hiện Mobile Money – sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ.
Với ba lĩnh vực chính: Tài chính số, Dịch vụ dữ liệu và Thương mại điện tử, đặc biệt với việc thực hiện Mobile Money, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel mong muốn sẽ trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế số trong giai đoạn sắp tới, kiến tạo và đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán tài chính số quốc gia, đồng thời giữ vững huyết mạch nền kinh tế nước nhà.
Trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng các doanh nghiệp nội địa sẽ có những bước đột phá mới, biến khó khăn thành cơ hội trong bối cảnh nguồn tiền nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam.
Quan trọng hơn, khi kinh tế thế giới đang có nhiều biến động như hiện nay, chính công cuộc chuyển dịch số của các tập đoàn công nghệ, viễn thông trong nước sẽ đóng vai trò cốt lõi để củng cố cho sự tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế