Bột giặt Aba và Điện Máy Xanh đều tạo nên “vũ trụ” quảng cáo của riêng mình, gây tranh cãi nhưng có phong cách thống nhất qua các TVC. Quảng cáo gây tranh cãi được không ít các thương hiệu tận dụng để tạo nên hiệu ứng lan truyền, nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi, không phải ai cũng thành công.
Bột giặt Aba
Đầu tuần trước, bột giặt Aba ra mắt một video quảng cáo mới dài hơn hơn 1 phút, có tên “Đường chia hai nẻo”. Vẫn như mọi lần, TVC này nhanh chóng được cộng đồng mạng lan truyền, bàn luận khắp các hội nhóm.
Ngay từ những video đầu tiên, quảng cáo của Aba đã bị chỉ trích là không có nội dung, nhảm nhỉ nhưng thương hiệu này không vì thế mà ngừng lại. Trái ngược, Aba đã tạo nên “vũ trụ” của riêng mình, phong cách không thể nhầm lẫn.
Các TVC của Aba đều có điểm chung là những câu chuyện cãi vã không đầu không cuối, lời thoại khó hiểu, không liên quan đến sản phẩm nhưng sau đó lại được “bẻ lái” bằng sự xuất hiện của túi bột giặt Aba. Dường như mọi mẫu thuẫn đều có thể giải quyết chỉ với túi bột giặt.
Bên cạnh đó, các video quảng cáo đều không có sự xuất hiện của người nổi tiếng mà chỉ được thực hiện bởi diễn viên không tên tuổi, lời thoại bị ghép lệch cùng không ít “hạt sạn” khác, gây cảm giác khó chịu cho người xem.
Tuy nội dung thiếu tính nghệ thuật, vô duyên nhưng trong các TVC, Aba luôn không quên khẳng định bản thân với những câu thoại trực tiếp, dễ hiểu như “Aba mọi người biết nhiều rồi”, “Aba giặt đồ mới đẹp lắm đó”, “Yên tâm đi mình dùng bột giặt Aba mà”,…
Ban đầu, những quảng cáo này thường xuyên bị chỉ trích nhưng dần dần, công chúng đã dần quen và thậm chí còn ngóng đợi và tự tìm kiếm, chia sẻ để cùng “bới lông tìm vết” xem video mới của Aba lần này “nhảm” tới mức nào.
Vì thế mà chỉ với 39 video, kênh Youtube chính thức của thương hiệu này có tới 409 nghìn người đăng ký. Các TVC đều thu hút hàng triệu thậm chí chục triệu lượt xem, điều mà bất kỳ thương hiệu nào cũng mong ước, đôi khi chi nhiều tiền thuê người nổi tiếng cũng khó lòng làm được.
Điện máy xanh
Nói đến TVC ám ảnh thì cái tên Điện máy xanh hẳn cũng sẽ vụt lên trong đầu nhiều người. Chiến dịch quảng cáo vào năm 2016 của thương hiệu này đã bủng nổ và tạo thành trào lưu trên mạng xã hội. Dàn nhân vật mặc áo xanh nhảy nhót trên nền nhạc hài hước dù khiến người xem chói mắt nhưng lại được đem ra bàn luận, tạo sân chơi “chế ảnh” cho công chúng.
Xét về tình hình thảo luận trên social media, đoạn quảng cáo của Điện máy xanh đã thu hút hơn 400 nghìn bài viết và thảo luận, hơn 3,4 triệu lượt tương tác với hơn 300 nghìn người tham gia chia sẻ và thảo luận về TVC này.
Các TVC tiếp theo vẫn trung thành với phong cách này, khiến hình ảnh in sâu vào trong tâm trí người xem và giúp tạo nên thương hiệu cho Điện máy xanh.
Mặc dù khi nhận phải không ít phản hồi tiêu cực, chỉ trích nhưng tương tự Aba, quảng cáo của ông lớn bán lẻ luôn khẳng định rõ ràng thông điệp “Mua hàng điện máy – Đến Điện Máy Xanh”, “Muốn máy giặt – Đến Điện Máy Xanh”, “Mua máy lạnh – Đến Điện Máy Xanh”,…
Điểm chung giữa Bột giặt Aba và Điện Máy Xanh
Gây bất ngờ, gây tranh cãi
Các TVC không truyền tải thông điệp theo cách tinh tế mà luôn xuất hiện những nhân vật lạ lùng, không đẹp mắt và thậm chí gây cảm giác khó chịu, bức xúc. Tuy nhiên, càng nhiều lời than phiền, chỉ trích lại càng khiến nhiều người tò mò tìm xem đoạn video quảng cáo này. Đây là một cách hiệu quả để gây chú ý và tăng mức độ nhận biết thương hiệu nhưng lại khá nguy hiểm do có thể gây ảnh hưởng không tốt đến cảm nhận lâu dài về hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Có thông điệp rõ ràng, dễ nhớ, lặp đi lặp lại với tần suất cao
Câu chuyện trong TVC của Aba khó hiểu đến mức nào thì cuối cùng đều dược giải quyết bằng túi bột giặt, kèm những câu nói dễ hiểu, ngắn gọn khẳng định “Aba giặt sạch”, “Yên tâm dùng Aba”,…
Nhạc chế của Điện Máy Xanh cũng liên tục lặp đi lặp lại thông điệp “Mua điện máy – Đến Điện Máy Xanh” khiến chúng vô tình đi vào tâm trí người nghe.
Bột giặt Aba và Điện Máy Xanh đều tạo nên “vũ trụ” quảng cáo của riêng mình, gây tranh cãi nhưng có phong cách thống nhất qua các TVC. Quảng cáo gây tranh cãi được không ít các thương hiệu tận dụng để tạo nên hiệu ứng lan truyền nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi, không phải ai cũng thành công.
Kết quả
Một chiến dịch quảng cáo viral sẽ trở nên vô tác dụng nếu chất lượng sản phẩm đúng như những gì thương hiệu khẳng định. Dù TVC “nhảm” nhưng Aba lại đáp ứng được điều kiện giá cả rẻ, phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu là người dân nông thôn.
Năm 2017, Aba lọt top 5 thương hiệu được chọn mua nhiều nhất trong ngành hàng chăm sóc gia đình, ở khu vực nông thôn, vượt qua cả Downy và Mỹ Hảo.
Trong khi đó, Điện Máy Xanh – được trợ lực bởi ông lớn trong ngành bán lẻ là Thế giới di động, cũng “một mình một ngựa” bỏ xa thị trường, doanh thu 2019 đạt gần 2,5 tỷ USD cùng hệ thống 1.000 cửa hàng (12/2019) trên toàn quốc.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế