Dù đã hơn 10 năm kể từ khủng hoảng sữa nhiễm melamine khiến tình kinh kinh doanh của Hanoimilk lao dốc, đến nay công ty vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.
Hanoimilk dần chiếm lĩnh được thị trường và tạo được niềm tin của người tiêu dung với những sản phẩm sữa mang nhãn hiệu IZZI, Yotuti, Sữa tươi Hanoimilk 100%, Sữa chua Hanoimilk.
Tuy nhiên thương hiệu sữa gặp phải khó khăn khi xuất hiện khủng hoảng sữa nhiễm Melanine 2008 và quyết định sai lầm với chiếc vỏ hộp sữa khiến người tiêu dùng quay lưng, lựa chọn các nhãn hiệu sữa khác.
Kể từ đó, kết quả kinh doanh của Hanoimilk dường như lao dốc không phanh khi biên lợi nhuận chỉ quanh quẩn ở mức 0,6%-1% (2013-2018). Riêng năm 2017 công ty ghi nhận lỗ hơn 23 tỉ đồng.
Kết thúc quí I/2019, mặc dù Hanoimilk ghi nhận doanh thu tăng 37% lên hơn 40 tỉ đồng nhưng lãi sau thuế vọn vẻn 166 triệu đồng.
Tại thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản của Hanoimilk giảm nhẹ xuống 503 tỉ đồng. Nợ phải trả 320 tỉ đồng, riêng vay ngắn hạn chiếm 59% và ở mức 179 tỉ đồng.
Trong số vay ngắn hạn này có 26,3 tỉ đồng vay BIDV – chi nhánh Tây Hà Nội; 8 tỉđồng vay Ngân hàng liên doanh Việt Nga – Sở Giao dịch; 40 tỉ đồng vay Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và 105 tỉ đồng còn lại là vay các cá nhân.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận giá trị dương 11,3 tỉ đồng, trong khi cùng kì âm 22,1 tỉ đồng.
Nguyên nhân là trong kì có thêm khoản phải trả 12,2 tỉ đồng và khoản phải thu giảm mạnh từ 21,5 tỉ đồng xuống 3,5 tỉ đồng. Đây cũng là hai khoản mục trên đã chiếm tới 74% cơ cấu tài sản của công ty.
Liên quan đến vấn đề này, kiểm toán viên đã từng đưa ý kiến ngoại trừ về tính đầy đủ và giá trị có thể thu hồi của khoản mục hàng tồn kho cũng như giá trị có thể thu hồi của khoản trả trước cho người bán và tạm ứng; tính hiện hữu và giá trị có thể thu hồi của một số tài sản khác.
Cũng tại đại hội đồng cổ đồng thường niên 2019 của Hanoimilk vào đầu tháng 7, khi cổ đông chất vấn về tình hình kinh doanh đi xuống, đại diện công ty cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, công ty chỉ có hai lần lỗ chứ không phải năm nào cũng lỗ.
Cụ thể, năm 2010, bà Nguyễn Thị Hồng làm Tổng giám đốc, trong năm đó, công ty phải giải quyết thanh lý các dự án thua lỗ của Hội đồng Quản trị cũ để lại và hạch toán vào báo cáo tài chính năm 2010.
Tương tự, năm 2017 có Hanoimilk báo cáo lỗ là 18,6 tỉ đồng nhưng có 11,8 tỉ là do công ty kiểm toán Grant Thornton bắt trích lập khoản chưa đòi được từ CTCP Thiết bị ô tô Việt Nam nợ tiền góp vốn và thuê nhà đất từ năm 2008. Bên cạnh đó, kiểm toán yêu cầu hạch toán trước chi phí Marketing.
Thiếu vốn, dự án mở rộng quy mô sữa tiếp tục dở dang
Để lấy lại những gì đã có cũng như thực hiện tham vọng trở thành 1 trong top 3 thương hiệu sữa, trong giai đoạn 2016-2020, Hanoimilk đặt trong tâm phát triển hai dự án nhằm mở rộng quy mô sản xuất sữa.
Trong đó, dự án Đổi mới công nghệ, tăng công suất Nhà máy sản xuất Sữa UHT lên 300 tấn/ngày để phục vụ bán hàng trong nước, gia công và xuất khẩu, đến nay vẫn dự án này vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Đối với dự án trồng cỏ nuôi bò tự nhiên tại Mê Linh hơn 72 tỉ đồng, hiện Hanoimilk vẫn đang thực hiện công tác hỗ trợ đền bù và giải phóng mặt bằng trong năm 2019.
Công ty dự kiến lập hồ sơ thiết kế quy hoạch, thiết kế kĩ thuật, thiết kế xây dựng và các thủ tục xin phép xây dựng để có thể bắt đầu triển khai xây dựng vào cuối năm 2019.
Để thực hiện các dự án trên, bên cạnh nguồn vốn tự có và vay vốn ngân hàng, năm 2018, Hanoimilk từng dự kiến phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi (không có tài sản đảm bảo) và 30 triệu cổ phiếu (tương đương 300 tỉ đồng) cho nhà đầu tư chiến lược.
Với thực tế hoạt động hiện tại, nhiều cổ đông lâu năm của Hanoimilk bày tỏ sự lo ngại về khả năng thành công của hai kế hoạch phát hành trên.
Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hanoimilk từng chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 rằng, công ty cũng nhìn thấy sự khó khăn trong kế hoạch phát hành này.
Nhưng nếu tiếp tục huy động vốn bằng cách vay ngân hàng, Hanoimilk sẽ tiếp tục lỗ bởi gánh nặng chi phí lãi vay. Dù vậy, ông Tuấn cam đoan, việc phát hành trái phiếu ít nhất sẽ… hoàn thành một nửa, bởi nếu không có ai mua, ông sẽ đứng ra mua 100 tỉ đồng trái phiếu.
Đến nay, hai kế hoạch tăng vốn nói trên vẫn chưa có tiến triển mới.
Kim Tình( Theo Kinh tế & Tiêu dùng)