Khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm: Rất ít doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu

0
288
DNVN – Theo nhóm chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, hiện có rất ít các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm đáp ứng được yêu cầu khi hầu hết chỉ có giấy phép môi giới.

Nhóm chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (TS Lê Thị Thùy Vân và ThS Phạm Thanh Thủy) cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ muốn trở thành một doanh nghiệp bảo hiểm với tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm thì phải có mức vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu theo pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, để bảo vệ người tham gia bảo hiểm và đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp kinh doanh nghiệp.

Hiện mức vốn pháp định mà các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tái bảo hiểm phải đáp ứng được quy định từ 300-1.100 tỷ đồng, chỉ có doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có mức vốn pháp định thấp từ 4-8 tỷ đồng.

Trong khi, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, có rất ít các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm đáp ứng được yêu cầu, mà hầu hết chỉ có giấy phép môi giới. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm của thị trường bảo hiểm trong thời gian tới.

 

Rất ít các doanh nghiệp công nghệ bảo hiểm đáp ứng được yêu cầu kinh doanh bảo hiểm.

 

Bên cạnh đó, một vấn đề khác liên quan đến khung pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm là làm thế nào để quản lý, hạn chế rủi ro cho thị trường bảo hiểm, trong bối cảnh các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới liên tục được phát triển.

Đặc biệt, với mô hình kinh doanh bảo hiểm kinh doanh trực tuyến, tự động hóa toàn bộ quy trình ứng dụng công nghệ AI, blockchain, khung pháp lý quy định về dự phòng nghiệp vụ, tình hình tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, quản lý rủi ro hay quy định đảm bảo thực hiện cam kết với khách hàng sẽ phải thay đổi, hoàn thiện phù hợp với các mô hình kinh doanh này.

Từ thực trạng trên, nhóm chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách tài chính khuyến nghị: Để phát triển các mô hình kinh doanh mới, cách thức phân phối sản phẩm bảo hiểm mới, tự động hóa, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm, cần thiết phải xây dựng khung pháp lý liên quan đến vốn pháp định đối với doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm.

Cụ thể, các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm thường có quy trình giao dịch tự động hóa, tiết kiệm chi phí, quy mô về nguồn tài chính, nhân lực không lớn. Để tạo điều kiện cho loại hình doanh nghiệp này hình thành thì có thể xem xét điều chỉnh điều kiện thành lập.

Đồng thời, xem xét bổ sung các quy định liên quan đến dự phòng nghiệp vụ, quản lý rủi ro, quản lý tài chính… của các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ.

Bổ sung quy định liên quan đến điều kiện cung cấp dịch vụ tư vấn tự động, phạm vi tư vấn của dịch vụ tư vấn tự động (robo-advices), trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ tư vấn tự động …khi các dịch vụ này vừa có thể đưa ra tư vấn, vừa có thể thực hiện các quyết định tài chính.

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm, nên tận dụng nguồn lực công nghệ, sáng kiến của doanh nghiệp để gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư phát triển. Đây là kinh nghiệm từ mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm từ Đức và Mỹ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here